Nhắc đến Nhật Bản, ta nghĩ ngay đến sự thông minh, sáng tạo, độc đáo, thể hiện ở mọi khía cạnh trong cuộc sống. Trong bài viết dưới đây, Hành trình làm mẹ sẽ giới thiệu thực đơn ăn dặm kiểu Nhật – xu hướng của các mẹ hiện đại ngày nay.
1. Ăn dặm kiểu Nhật là gì? Lý do mẹ nên lựa chọn phương pháp ăn dặm này
Vậy ăn dặm kiểu Nhật là gì và phương pháp này khác ăn dặm truyền thống như thế nào?
1.1. Nguyên liệu:
Thay vì cho con ăn bột xay chung với các loại rau, thịt, cá, … như cách truyền thống, các gia đình Nhật lại cho con mình ăn phối hợp các loại thực phẩm khác nhau. Cách làm này vừa tạo nên thực đơn ăn dặm đa dạng, ngon miệng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ. Bên cạnh đó còn kích thích trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt và hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng.
1.2. Phương pháp chế biến:
Thay vì nấu chiên, rán, hấp, xào, luộc rồi xay như bình thường, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật khuyến khích mẹ dùng cối giã và rây để làm mịn thức ăn, cách làm này không chỉ giúp bé dễ nuốt hơn mà còn tăng khả năng cảm nhận hương vị, tính chất của món ăn.
1.3. Nguyên tắc:
Với phương pháp ăn dặm này, mẹ cần tuân thủ cho bé ăn theo 3 nguyên tắc:
– Từ ít đến nhiều
– Từ lỏng đến đặc
– Từ một nhóm thực phẩm đến n nhóm thực phẩm.
1.4. Lưu ý:
Dù cho bé ăn theo phương pháp truyền thống hay ăn dặm kiểu nhật, mẹ cũng nên chú ý đến tâm lý của bé. Cần tạo cho bé tâm lý thoải mái nhất khi ăn, cho trẻ được chọn lựa món ăn mà bé thích, tránh ép trẻ ăn khiến trẻ trở nên sợ ăn đồng thời giúp hình thành cho trẻ thói quen ăn uống tốt về sau.
2. Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho từng tháng tuổi của bé.
2.1. Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé từ 6 tháng tuổi
Giai đoạn 1 – 6 tháng tuổi là giai đoạn tốt nhất để bắt đầu rèn cho bé thói quen ăn dặm kiểu Nhật vì khi này hệ tiêu hóa của bé đã dần phát triển, việc sử dụng các món ăn dặm giúp bé kích thích vị giác sẽ rất hiệu quả. Với bé 6 tháng tuổi, mẹ cần chú ý bổ sung cho con các chất sau:
– Đạm và protein: bên cạnh thịt, cá, trứng, mẹ có thể bổ sung đạm và protein cho bé từ các loại đậu (đậu nành, đậu xanh,…), đậu hũ.
– Vitamin và chất xơ: bông cải, rau xanh, cà rốt, cam, chuối…
– Tinh bột: bánh mì, gạo lứt, gạo trắng, khoai lang,…
Để phát huy hết tác dụng đến từ thực đơn ăn dặm 6 tháng kiểu Nhật, mẹ có thể tham khảo một số món ăn sau:
– Cháo cá lóc
– Cá sốt đậu Hà Lan
– Cháo bí đỏ
– Súp khoai tây
– Cháo cà rốt
– Khoai tây trộn sữa
– Rau cải trộn đậu hũ
– Cháo bánh mì sữa chua; …
2.2. Thực đơn ăn dặm cho bé từ 7 đến 8 tháng tuổi
Giai đoạn hai của quá trình ăn dặm kiểu nhật là các bé 7 đến 8 tháng tuổi. chuyên gia gợi ý mẹ chuẩn bị thực đơn như sau:
– Sáng: sữa mẹ/ sữa bột; sau 1 giờ sẽ cho uống thêm một chút nước quả (bằng muỗng); khoảng 10g sẽ ăn rau củ nghiền hoặc cháo pha sữa.
– Đến trưa sẽ ăn bột thành phần gồm: 10g bột gạo, 10g thịt lợn băm, 10g rau xanh và 5g dầu ăn nấu cùng 200ml nước. Trong bữa ăn thêm buổi chiều của bé, mẹ nên chuẩn bị thêm một hộp sữa chua hoặc nhấm nháp một chiếc bánh quy bơ, dễ tan ít đường , vẫn cho bé uống sữa sau đó.
– Bữa ăn tối nếu bé bú sữa mẹ thì mẹ có thể cho bé ăn thêm bữa ăn dặm. Mẹ lưu ý không nên cho bé ăn muộn quá và chọn thực đơn dễ tiêu, tránh các loại rau có lượng đường cao làm đầy bụng như súp lơ, bắp cải, măng tây,…
2.3. Thực đơn ăn dặm cho bé 9 đến 11 tháng tuổi
Trong ăn dặm kiểu Nhật, giai đoạn 9 đến 11 tháng là giai đoạn thứ 3 của trẻ. Bước vào giai đoạn này, trẻ đã có khả năng nhai và đang tập kĩ năng dùng thìa và ống hút. Vì vậy, mẹ nên chú ý ninh mềm thức ăn sao cho bé dễ dàng nhai được bằng lợi, các miếng nên cắt to tầm 0,5cm, dài tầm 2 – 3 cm để bé có thể tự bốc, tự tập ăn bằng thìa.
Lúc này, mẹ có thể tập cho bé ăn dặm 3 bữa 1 ngày: bữa sáng, bữa trưa, bữa tối. Hãy tập cho con thói quen dùng bữa cùng gia đình. Điều này không chỉ giúp khơi gợi cảm giác hào hứng của bé khi được ngồi ăn cùng với mọi người mà không khí đầm ấm của bữa ăn sẽ giúp bé học được những kỹ năng giao tiếp cơ bản.
Trong giai đoạn này, một nửa dưỡng chất bé thu nạp từ hoạt động ăn dặm sẽ chuyển thành năng lượng cung cấp cho các hoạt động của bé nên mẹ cần chú ý tích cực cho bé ăn dặm các món ăn có chứa hàm lượng sắt cao như : thịt, gan, cá thịt đỏ (cá hồi,..),… để cân bằng dinh dưỡng. Mẹ có thể tham khảo một số thực phẩm sau: cá dăm, trứng, cá thịt trắng, rau bina, thịt heo, đậu hũ, cải ngọt, cà rốt, …
2.4. Ăn dặm kiểu nhật cho bé từ 12 – 18 tháng tuổi
Bước vào giai đoạn 4 của ăn dặm kiểu Nhật, nhiều bé bắt đầu cai sữa mẹ và tiến vào quá trình tập ăn giống người lớn. Lúc này, mẹ có thể tăng chỉnh độ thô của thức ăn: ấn mạnh tay mới làm nát được thức ăn (Ví dụ: hơi cứng như miếng thịt viên)
Dưới đây, Hành trình làm mẹ gợi ý một số món ăn mẹ có thể bổ sung vào thực đơn ăn dặm cho bé từ 12 đến 18 tháng tuổi:
– Bí đỏ nấu thịt băm
– Rau cải thảo cuốn thịt
– Cơm cuộn trứng
– Đậu chiên thịt băm
– Cơm nắm với súp lơ, rong biển và ruốc cá
– Bánh mì trứng chiên
Chi tiết: Thực đơn nấu nước Dashi chuẩn ăn dặm kiểu Nhật.
3. Ưu/ nhược điểm của thực đơn ăn dặm kiểu Nhật
3.1. Ưu điểm
Nhìn qua 4 giai đoạn của ăn dặm kiểu Nhật, không khó để mẹ nhận thấy phương pháp này hoàn toàn khác biệt so với phương pháp ăn dặm truyền thống đã quá phổ biến tại Việt Nam hàng chục năm nay. Vậy vì sao nhiều gia đình vẫn sẵn sàng thay đổi để cho con, cháu ăn dặm kiểu Nhật?
3.1.1.Khả năng ăn thô sớm
Ngay từ khi bắt đầu quá trình ăn dặm, bé đã được làm quen với thức ăn thô. Thông qua việc tập ăn thô sớm, bé sẽ học được phản xạ nhai và nuốt một cách tốt nhất, tránh để trẻ chỉ biết nuốt chửng, ăn một cách thụ động, giảm thiểu tác nhân khiến trẻ dễ bị nôn trớ, hóc nghẹn rất nguy hiểm.
3.1.2. Nhận biết được mùi vị
Ưu điểm lớn nhất của cách ăn dặm kiểu Nhật đó chính là giúp bé nhận biết được mùi vị của nhiều loại thực phẩm khác nhau. Phương pháp cũng giúp trẻ sớm định hình được sở thích về ăn uống. Khi có món nào bé thích, bé sẽ ăn nhiều, ăn vui vẻ. Cùng với đó, bé cũng sẵn sàng từ chối với món không hợp khẩu vị. Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp ăn dặm của Nhật, mẹ sẽ nhận biết được bé có thể bị dị ứng với thực phẩm nào để tránh gây nguy hiểm cho bé. Sau khi giúp bé làm quen dần với hương vị thức ăn, mẹ có thể nấu kết hợp nhiều thực phẩm khác nhau nhằm kích thích vị giác của bé phát triển.
3.1.3. An toàn cho sức khỏe
Khi bắt đầu ăn dặm, các mẹ Nhật thường sẽ không thêm bất cứ loại gia vị nào khác vào thức ăn của bé, hoặc chỉ nêm rất ít muối, chỉ bằng 1/4 phần ăn cho người lớn. Rèn cho trẻ thói quen ăn nhạt ngay từ nhỏ sẽ giúp bảo vệ thận, đảm bảo thận hoạt động vừa sức.
Trong khẩu phần ăn của bé, mẹ cần đảm bảo luôn cho bé ăn đầy đủ 3 nhóm thực phẩm là tinh bột, chất đạm và vitamin theo tiêu chuẩn “vàng-đỏ-xanh” nhằm cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của bé. Mẹ cần đảm bảo nguyên liệu nấu luôn tươi, tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm làm sẵn, đóng hộp.
3.1.4. Trẻ ăn ngoan
Với phương pháp ăn dặm này, bé sẽ được ngồi ăn trên ghế, không đi rong, không bật tivi, không điện thoại, máy tính… Bé được hình thành thói quen ăn nghiêm túc, không quấy khóc, không ngậm. Bé còn được học cách tự bốc ăn bằng tay, khi lớn hơn mẹ còn dạy cách ăn bằng đũa, thìa
Nhờ cách này, bé sẽ rất độc lập khi ăn và bố mẹ, ông bà sẽ không phải đút từng đìa hoặc làm đủ trò để “nịnh” con ăn. Bữa ăn của bé kết thúc một cách gọn gàng, thoải mái, chỉ khoảng 15-20 phút.
3.2. Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật cũng tồn tại một số khuyết điểm như sau.
3.2.1. Mất nhiều thời gian
Có thể nói ăn dặm kiểu Nhật thường khiến mẹ tốn nhiều thời gian và công sức hơn so với ăn dặm truyền thống. Mẹ thường phải chuẩn bị kĩ ngay từ khâu suy nghĩ lên thực đơn, lựa chọn nguyên liệu cho đến việc chế biến. Các món ăn của bé phải đảm bảo đúng tỉ lệ, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và phải thường xuyên thay đổi để giúp bé không cảm thấy ngán.
3.2.2. Chi phí đầu tư cao
Để thuận tiện trong việc chuẩn bị bữa ăn cho bé cũng như đạt được hiệu quả cao nhất, mẹ cần đầu tư cho mình bộ dụng cụ chế biến đồ ăn dặm kiểu Nhật với nhiều công cụ như: Đĩa mài, ray, chày nghiền, vắt, bát, muỗng… Ngoài ra, mẹ còn cần có nồi áp suất, quánh nấu cháo đối với các món cháo, hầm, ninh,…
3.2.3. Trẻ không ăn được nhiều
Phương pháp này dựa trên sự tôn trọng trẻ, khi bé đã không muốn ăn, mẹ sẽ dừng lại ngay lập tức, không bắt con phải ăn hết. Chính vì vậy, khi mới bắt đầu thực hiện ăn dặm kiểu Nhật, có thể bé sẽ không tăng cân nhanh như cách ăn dặm truyền thống.
3.2.4. Người mẹ hay bỏ cuộc
Những ngày đầu áp dụng cách ăn dặm kiểu Nhật, mẹ sẽ thấy rất hào hứng và phấn khởi nhưng khi bắt tay vào thực hiện được một thời gian thì nhiều mẹ cảm thấy nản chí. Một phần là vì tốn quá nhiều thời gian cho khâu chuẩn bị, một phần vì bé không “hợp tác” và đôi khi vì những bất đồng ý kiến về cách nuôi con giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là do sự cách biệt thế hệ giữa ông bà và bố mẹ.
4. Các nguyên tắc giúp mẹ áp dụng thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé một cách dễ dàng
4.1. Giai đoạn nào là thích hợp để bé ăn dặm kiểu Nhật?
Từ 5 – 6 tháng tuổi, bé cần được bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất giúp bé tăng trưởng và phát triển, hình thành các thói quen ăn uống lành mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế là đến 9 tháng tuổi, bé mới thực sự cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng khác ngoài sữa. Do đó, cho bé thực hiện phương pháp ăn dặm kiểu Nhật trong những tháng 5, 6, 7, 8 sẽ giúp bé làm quen với thực phẩm và rèn thói quen ăn uống. Khi rèn luyện được thói quen ăn uống tốt, bé sẽ xem việc ăn uống như một điều cần thiết và trở nên hứng thú với việc ăn uống.
4.2. Những dưỡng chất và nguyên liệu phù hợp cho phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Nguyên tắc cốt lõi của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là dùng những thực phẩm tự nhiên hay những nguồn nguyên liệu hữu cơ như: cá, thịt, rau quả tươi, hành tỏi… Người Nhật thường không cho con ăn những thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp cũng như hạn chế những món ăn chứa quá nhiều gia vị.
5. Những lưu ý khi mẹ cho bé ăn dặm kiểu Nhật.
5.1. Nguyên liệu:
Thực phẩm cho bé ở giai đoạn này nên đa dạng, thay đổi liên tục để nắm bắt được bé thích hay không thích những món gì. Việc này sẽ giúp mẹ điều chỉnh khẩu vị và thói quen ăn uống của bé cho phù hợp, đầy đủ dưỡng chất cần thiết.
5.2. Phương pháp:
Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật sẽ giúp bé có chế độ ăn uống thanh đạm với hương vị thanh nhẹ từ rau củ, hành tỏi hay dashi (cá khô bào và rong biển kombu). Đầu tiên, mẹ nên cho bé thử thức ăn nhạt trước, sau đó sẽ dễ điều chỉnh. Nếu mẹ cho con ăn món nêm nếm đậm vị trước, bé sẽ không chịu ăn những thức ăn có vị thanh nhạt, đặc biệt là thức ăn chế biến từ rau củ như rau củ luộc/hấp.
5.3. Lưu ý:
Mẹ nên bổ sung cho bé 2 bữa phụ và duy trì việc cho trẻ ăn uống đầy đủ bên cạnh 3 bữa chính.
6. Mục tiêu khi mẹ áp dụng thực đơn ăn dặm kiểu Nhật
Thông qua phương pháp này, người Nhật hy vọng trẻ phát triển bình thường và không bị béo phì. Vì vậy, thực đơn ăn dặm kiểu Nhật thường rất chú trọng đến các món ăn được chế biến từ rau củ, sự cân bằng giữa các thành phần đạm, vitamin, tinh bột và xây dựng cho trẻ chế độ ăn ít đạm. Đối với trẻ trong giai đoạn từ 12 – 18 tháng, mẹ chỉ nên cho bé ăn nhiều nhất là 20g đạm/ngày.
Bên cạnh đó, người Nhật giáo dục trẻ về cách ăn uống ngay từ khi còn rất nhỏ. Bé ăn theo thực đơn này sẽ biết nhai, không ngậm và biết chủ động trong ăn uống, biết yêu cầu, từ chối và đưa ra xác nhận về món ăn mình muốn. Nếu muốn con yêu cũng làm được điều này, mẹ cần phải trải qua một quá trình khá gian nan.
>>> Download sách Ăn Dặm Kiểu Nhật Của Tsutsumi Chiharu [PDF]
Ăn dặm kiểu Nhật là một phương pháp tốt và được nhiều gia đình lựa chọn bởi nhiều ưu điểm nổi bật. Tuy nhiên, để thực hành và kiên trì cho con ăn theo phương pháp này lại không phải là một điều dễ dàng. Thông qua bài viết trên, Hành trình làm mẹ hi vọng đã mang đến cho mẹ cái nhìn đa chiều hơn về phương pháp này.